Nhiều hãng xe thiếu tài xế, phương tiện trước nhu cầu tăng cao hậu đại dịch được cho là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng khó tìm dịch vụ. Vậy vì sao khó gọi taxi, xe công nghệ?
Thời gian gần đây, nhiều người dùng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM phản ánh tình trạng khó đặt taxi, xe công nghệ. Thay vì đợi 5-10 phút như thông thường, thời gian tìm kiếm phương tiện di chuyển nay bị kéo dài tới 15-30 phút.
Chia sẻ với Zing, đại diện các hãng xe lớn trên thị trường đều thừa nhận tình trạng này. Bên cạnh những yếu tố khách quan như giao thông, thời tiết, việc nhu cầu đi lại sau dịch bệnh tăng cao nhưng thiếu hụt lực lượng lao động đáp ứng cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho người sử dụng dịch vụ.
Nhu cầu tăng cao khiến hãng thiếu tài xế?
Theo đại diện Gojek, nhu cầu đi lại và đặt đồ ăn trực tuyến của người dùng từ sau Tết đến nay liên tục tăng, đặc biệt sau khi Hà Nội và TP.HCM mở cửa hoạt động kinh doanh và hành chính sau đại dịch. Tính riêng số lượng đơn hàng hoàn thành, tốc độ tăng trưởng trung bình mỗi tháng của từng dịch vụ đều ở mức hai con số.
Hãng cho biết khung giờ cao điểm gọi GoRide (môtô) và GoCar (ôtô) bắt đầu từ 7-9h và 16-18h hàng ngày. Cao điểm của GoFood (giao đồ ăn) là 10-13h và 18-19h trong khi GoSend (giao hàng) trải dài rải rác trong ngày.
Ngoài ra, các tài xế hoạt động nhiều và ổn định từ 7-20h. Nguồn cung giảm dần sau 20h và thấp nhất vào khung giờ 2-4h.
Tại các khung giờ cao điểm, nhu cầu của khách hàng có thể tăng bằng lần. Đó là chưa kể lượng tài xế xe 2 bánh phân bổ đều cho các đơn GoRide, GoSend và GoFood. Do đó, vị này chia sẻ vấn đề mất cân bằng cung – cầu là khó tránh khỏi.
Trong vòng một tháng qua, số lượng tài xế GoCar tại TP.HCM tăng gần 20%. Lượng tài xế được tuyển dụng mới để tăng cường nguồn cung tăng 15%. Riêng tại Hà Nội, số lượng tài xế xe 4 bánh mới đăng ký cũng tăng gấp đôi so với tháng trước.
“Số lượng đối tác của chúng tôi liên tục tăng thời gian qua nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng tại một số thời điểm”, đại diện hãng khẳng định các số liệu cho thấy chưa đủ cơ sở để nhận định rằng tình trạng khó bắt xe đến từ nguyên nhân thiếu hụt lao động.
Tương tự, đại diện be cho biết dù có lúc biến động, số lượng tài xế vẫn giữ nguyên hàng trăm nghìn người. Đến nay, hãng vẫn tiếp tục tuyển dụng thêm tài xế.
“Trong tháng 4, 5 vừa qua, có những thời điểm be đạt số chuyến đi kỷ lục kể từ khi bắt đầu dịch vụ từ năm 2018. Theo đó, tại những nhất định trong ngày như khung giờ cao điểm, việc tìm tài xế sẽ gặp đôi chút khó khăn”, đại diện be nói.
Grab, ứng dụng xuất hiện từ sớm tại thị trường Việt Nam, hiếm khi công khai số lượng tài xế. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu phối hợp cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung tâm Tư vấn sức khỏe và phát triển cộng đồng vào cuối năm ngoái, hãng có khoảng 200.000 đối tác (môtô, ôtô) chạy dịch vụ, 50% số đó đang hoạt động tại Hà Nội và TP.HCM.
Bài toán khó của hãng
Theo một nguồn tin cấp cao của Zing trong lĩnh vực này, việc giá nhiên liệu tăng cao, thời tiết chuyển xấu khiến tài xế kén chọn cuốc hơn và suy tính sao cho có lợi. Dù hãng nào cũng có chương trình thưởng tốt, tài xế vẫn có tâm lý cuốc xe đủ bù chi phí thì mới nhận.
Hiện nay, hầu hết hãng xe đều đối mặt tình trạng thiếu tài xế bất chấp chính sách thưởng hấp dẫn cho lao động mới.
“Xăng dầu tăng cao, sau dịch các hoạt động được phục hồi nên cơ hội việc làm cũng nhiều hơn, từ đó khó tuyển tài xế hơn. Ngoài ra, việc xe 4 bánh phải đổi biển số vàng mới được phép hoạt động khiến tài xế ái ngại”, vị này lý giải.
Trong khi đó, các hãng xe đang rơi vào thế “chân vạc”, tức vừa phải đảm bảo cầu, vừa giữ cung nhưng vẫn phải cân đối chi phí nội bộ hợp lý.
“Không tăng cước thì tài xế không nhận, tăng cao quá thì khách không đi, mà gánh nhiều chi phí quá thì sẽ không cân đối được dòng tiền”, vị này nói thêm.
Nói kỹ hơn về vấn đề này, ông Tạ Long Hỷ – Phó tổng giám đốc Vinasun – cho biết việc khách hàng khó gọi xe vốn xảy ra từ lâu nhưng chủ yếu tập trung vào giờ cao điểm. Song, tình trạng này có thể dễ thấy hơn trong bối cảnh lượng đầu xe của các hãng đều sụt giảm sau đại dịch.
Ông cho biết ngoài lý do giá cả thị trường gia tăng, việc các loại xe 4 bánh phải đăng ký biển số kinh doanh vận tải (biển vàng) khiến lượng đầu xe giảm khá nhiều.
Mặt khác, lĩnh vực taxi chứng kiến sự hồi phục rõ rệt, đông đảo tài xế cũng quay trở lại làm việc. Tuy nhiên tổng đầu xe không bằng trước, buộc các hãng phải có kế hoạch tăng cường xe mới từ giờ đến cuối năm.
Trong tài liệu đại hội đồng cổ đông vào tháng 4, Vinasun dự kiến đầu tư 156 xe, thanh lý và bán trả chậm cho lái xe dưới hình thức kinh doanh thương quyền khoảng 506 chiếc, phát triển 150 xe hợp tác kinh doanh với đối tác bên ngoài. Từ đó, nâng số xe hợp tác kinh doanh đến cuối năm 2022 lên 900 chiếc, tổng số xe hoạt động kinh doanh hơn 2.620 chiếc.
Về phương án giữ chân tài xế và thu hút lao động mới, ngoài hỗ trợ trực tiếp, ông Hỷ cho rằng điều quan trọng nhất vẫn là thu nhập của tài xế. Hiện tại số lượng tài xế kiếm bình quân 1 triệu đồng/ngày sau khi trừ chi phí ở Vinasun tương đối phổ biến. Do đó, điều kiện doanh thu khá sẽ giúp tài xế giảm thiểu tác động từ giá xăng dầu.
Không chỉ taxi truyền thống, các hãng xe công nghệ cũng triển khai hàng loạt ưu đãi mới để thu hút thêm đối tác cũng như giữ chân tài xế cũ, nhất là trong giai đoạn nhiều tài xế lao đao vì giá nhiên liệu.