Giá xăng liên tục tăng cao ảnh hưởng đến thu nhập, nhiều tài xế taxi công nghệ dừng chạy qua ứng dụng, thậm chí một số phải bán xe.
Nhiều khách hàng không đặt được Taxi công nghệ
Sáng 16/6, chị Minh Trang (Hà Nội) phải đặt tới 5 lần qua ứng dụng mới gọi được một chiếc taxi công nghệ từ đường Lê Đức Thọ, Mỹ Đình tới phố Duy Tân, Cầu Giấy. “Hai lần đầu, tôi đặt qua Grab nhưng ứng dụng đều thông báo không tìm được tài xế gần đây. Chuyển sang gọi xe qua Gojek, 2 tài xế nhận nhưng sau đó huỷ chuyến, đến lần đặt thứ ba mới bắt được xe đến cơ quan”, chị Trang cho hay.
Theo khách hàng này, gần đây nhiều thời điểm gọi taxi công nghệ khá khó, đồng thời giá cước cũng tăng cao hơn. Quãng đường từ nhà đến cơ quan gần 3 km trước đây chỉ khoảng 30.000 đồng, nay đã lên hơn 40.000 đồng, thậm chí có những lúc lên 50.000 đồng.
Anh Mạnh Dũng, trú tại Linh Đàm cũng đánh giá việc gọi xe taxi công nghệ kể từ lúc giá xăng vượt 30.000 đồng một lít khá khó khăn. Cuối tuần trước, anh Dũng phải chờ gần 15 phút mới đặt được xe cho gia đình đến một nhà hàng buffet ở Hồ Tây, trong khi trước đây gọi lúc nào cũng có tài xế nhận ngay.
Tại TP HCM tình hình cũng diễn ra tương tự. Chị Thanh Lê – TP Thủ Đức – cho biết vào những giờ cao điểm, giá cước tăng gấp đôi, có khi gấp 3 lần nhưng chị gần như không thể gọi được taxi công nghệ mà phải chuyển sang xe hai bánh.
“Thứ bảy vừa rồi, tôi có việc cần di chuyển từ nhà lên quận Bình Tân (đoạn đường khoảng 25 km) giá cước xe 4 chỗ của Grap trước đây tầm 250.000 đồng, nay lên 550.000 đồng vẫn không thể đặt được”, chị nói.
Nhiều tài xế muốn bỏ taxi công nghệ vì xăng liên tục tăng giá
Theo ghi nhận của VnExpress, trên các hội, nhóm taxi công nghệ tại Hà Nội, nhiều tài xế cho biết tạm thời nghỉ chạy qua ứng dụng trong lúc giá xăng tăng lên quá cao. Anh Tuấn Anh, tài xế GrabCar nói rằng đây là “thời điểm khó khăn nhất” kể từ khi anh bắt đầu chạy taxi công nghệ năm 2018.
“Trước đây, ví dụ một ngày chạy xe được một triệu đồng, sau khi trừ chiết khấu nộp cho hãng và tiền xăng, tôi vẫn có thể cầm về 500.000-600.000 đồng, chưa tính thưởng. Nay giá xăng tăng cao, tôi chỉ thu về được khoảng 400.000 đồng”, anh nói và cho biết nếu trừ thêm 100.000 đồng tiền ăn coi như chỉ còn 300.000 đồng.
Anh này nói thêm, có những chuyến xe đi vào giờ tắc đường, hay lúc đường phố Hà Nội ngập lụt, coi như chạy không công. Các tài xế cũng hạn chế chạy lòng vòng các tuyến phố để chờ nổ cuốc xe như trước nhằm tiết kiệm xăng, nên nhiều khu vực ngoài trung tâm cũng khó đặt hơn.
Ngoài ảnh hưởng của xăng tăng giá, tài xế chạy xe công nghệ gần đây giảm đi bởi trải qua đợt dịch năm ngoái, một số người đã phải chuyển sang các công việc khác hay bán xe để trả nợ ngân hàng…
Anh Đặng Hiệp, tại Đông Anh (Hà Nội) cho biết cuối năm 2020, vay hơn 300 triệu đồng, kỳ hạn 5 năm để mua một chiếc xe Vios chạy taxi công nghệ. Nay với dư nợ còn lại khoảng 200 triệu, mỗi tháng anh Hiệp phải trả ngân hàng gần 7 triệu đồng.
Tài xế này ước tính với giá xăng hiện tại khá khó để có thu nhập hơn 10 triệu mỗi tháng sau khi trả tiền ngân hàng, trong khi năm ngoái anh đã phải vay người thân tiền để trả nợ trong vài tháng không thể đi làm vì giãn cách xã hội. Vì vậy, anh đang rao bán xe với giá 470 triệu để tất toán nợ ngân hàng, trả tiền người thân.
“Còn dư hơn 200 triệu, tôi sẽ tính cách làm ăn khác, có thể chung với bạn bè mở hàng quán ăn…”, anh Hiệp chia sẻ.
Chung tình cảnh như anh Hiệp, khá nhiều tài xế đang rao bán, thanh lý xe taxi công nghệ để trả hết nợ ngân hàng.
Trong khi đó, anh Ngọc Sơn, tài xế taxi công nghệ có 5 năm kinh nghiệm, cho rằng một số người không còn mặn mà chạy xe qua ứng dụng vì phải trả chiết khấu cao, họ có thể sử dụng các hình thức khác như chạy xe tiện chuyến, chạy tỉnh hay sân bay.
“Gần đây, có nhiều ứng dụng đặt xe tiện chuyến cho cả lái xe sử dụng để giảm chiết khấu phải trả cho các hãng taxi công nghệ. Nhu cầu đi du lịch phục hồi cũng tạo cơ hội cho nhiều tài xế chạy dịch vụ đưa đón sân bay”, anh Sơn cho biết.
Ngoài ra, theo anh, từ đầu năm nay, xe taxi công nghệ phải đổi sang biển số màu vàng, nên nhiều người đi bằng ôtô gia đình đã bỏ chạy ứng dụng, vẫn giữ biển trắng để chạy dịch vụ sân bay hay tiện chuyến này.
Hầu hết doanh nghiệp cung ứng dịch vụ xác nhận biến động giá xăng dầu thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đời sống của tài xế. Gojek đánh giá chi phí hoạt động của tài xế tăng trung bình 10-15% vì giá xăng.
Tuy nhiên, Gojek và Grab – 2 đơn vị đang chiếm thị phần gọi xe hàng đầu thị trường – lại khẳng định lượng tài xế vẫn tăng trưởng. “Lượng tài xế GoCar đăng ký mới trong tháng 5 tại Hà Nội tăng gấp đôi tháng trước, còn ở TP HCM tăng 20% trong một tháng qua”, Gojek nói.
Liên quan việc khách khó đặt xe, Gojek lý giải do nhu cầu tăng cao đột biến của người dùng vào một số khung giờ nhất định dẫn đến tình trạng mất cung cầu cục bộ. Ngoài ra, việc khó gọi xe còn bị ảnh hưởng bởi điều kiện giao thông và thời tiết không thuận lợi.
Grab cũng đồng ý ở một số thời điểm tại vài khu vực nhất định, người dùng có thể khó đặt được dịch vụ. Hãng sẽ cố gắng tăng lượng tài xế, đảm bảo sự cân bằng cung và cầu trên thị trường thời gian tới.
Để thu hút lực lượng tài xế, Gojek đang khá bạo chi. Hãng này cho biết có nhiều chính sách thưởng tài xế, trong đó có chương trình áp dụng với tài xế GoCar tại Hà Nội và TP HCM mỗi ngày chỉ cần chạy đủ 10 chuyến. Nếu doanh thu và thưởng không đủ một triệu đồng, Gojek sẽ tự hỗ trợ thêm cho đủ.
Ngoài ra, hãng này cũng kiến nghị sự hỗ trợ từ chính phủ dành cho doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực giao thông, vận tải, logistics… do các ngành này đang chịu ảnh hưởng trực tiếp trong bối cảnh giá xăng liên tục tăng. Theo đó, hãng mong muốn nhà nước xem xét miễn giảm một số loại thuế phí như phí đăng kiểm, phí đường bộ… cũng như có cơ chế ưu đãi hoặc hoãn, giảm, miến thuế thu nhập cá nhân kinh doanh (1,5%) trên doanh thu với các tài xế.
Không chỉ taxi công nghệ, taxi truyền thống cũng gặp rất nhiều khó khăn với mức giá xăng dầu hiện nay. Cuối tháng rồi, trước nguy cơ nhiều doanh nghiệp phải phá sản sau 4 đợt dịch, Hiệp hội Taxi ba miền đã kiến nghị Thủ tướng sớm có giải pháp hỗ trợ các hãng taxi như miễn thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng, giảm 50% phí trước bạ cho ôtô đăng ký mới để kinh doanh vận tải hay các chương trình cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi, cơ cấu lại nợ…
Nhiều hãng taxi truyền thống cũng phải đối mặt với tình trạng tài xế liên tục xin nghỉ việc. Thậm chí, một số doan nghiệp đang có đến vài trăm taxi không có tài xế để vận hành.
Anh Tú